Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

LỚP KHAI PHÁ 1964 - GP LONG XUYÊN

New Page 1
KHAI PHÁ, Một Ðịnh Mệnh, Một Phong Cách,




Lớp nào cũng có Thánh Bổn Mạng- Lớp Mỹ Sơn, Lớp Don Bosco, Lớp Vô Nhiễm, Lớp Lê Bảo Tịnh. Những Tên Thánh nghe mới ngoan ngùy dễ thương làm sao. Chỉ có lớp 1964 được gọi là Khai Phá.

"Bạn muốn gọi ta là Khai Phá, ta cũng tự nhận ta  là Khai Phá.  Khai Phá đã trở thành một định mệnh. Khai Phá nói lên phong cách.  Khai Phá đề ra một đường hướng."


KHAI PHÁ¨ NHƯ MỘT ÐỊNH MỆNH.

Ðịnh Mệnh ấy nổi trôi nhưng không  kém vẻ thi vị, cuốn hút.     

Ngày tựu  trừơng đầu tiên đã như một điềm báo về định mệnh của lớp. Các lớp đàn  anh đều tựu trường ngày 15-6. Riêng ngày tựu trừơng của lớp 1964 là không xác định. Năm ấy, Ðức Cha Micae mới cho xây Chủng Viện Têrêxa Long Xuyên.  Lớp Khai Phá  được vinh dự là lớp đầu tiên ở ngôi Chủng Viện mới.  Chủng Viện rộng lớn, nên lớp  được tuyển 170 người, con số kỷ lục. Nhưng Chủng Viện xây dang dở, biết ngày nào  xong. Ngày tựu trừờng 15-6 phải định lại đến 1-10. Sau đó, sợ quá trễ, nhày tựu trường được dời lại 21-8. Ðúng là ba chìm bảy nổi. 
 
Ngày 21-8, 170 chú nai tơ, khể nể ôm vali, ngơ ngác trước ngôi trường đồ sộ. Chiếc cổng  đang xây dở đang bị dàn giáo bít kín lối vào . Sau cùng các chú cũng tìm được cổng nhà bếp nằm cách đo' không xa.

Toà nhà đồ sộ, nhưng chẳng có lấy một mảnh sân. Ngay trứơc nhà là một ao nước đục  ngầu.  Ðêm mưa ếch nhái râm rang đến não ruột. Trên bờ ao lau sậy um tùm phủ kín mấy ngôi cổ mộ.

Khổ nhất là những đêm mưa.  Nhà chưa gắn cửa sổ nên gió ào ào từ mọi phía.  Mùng  mền bay tốc lên. Nước tạt vào như thác. Anh Em lo đi chuyển trú mưa, chuyện trò  đến quên ngủ.
  
Tháng 12-1964, xáng thổi đầy cát vào trước nhà.  Nhưng cát cũng lấp luôn các đường  cống, các hầm cầu. Cống nghẹt kêu cứụ Anh Em ta "được" nghỉ học, quần xà lỏn áo  thun vác thau đi múc sình. Buổi chiều, 170 thân hình lem luốc đứng xếp hàng trước  bốn vòi nước công cộng vừa tắm rửa vừa tạt nước. Cực mà vui. Định mệnh còn đeo đuổi  ta khi về Ðại Chủng Viện. Lớp quá đông, không thể gởi đi Sài Gòn hay Vĩnh Long  được. Ðức Cha Micae đành xây một Chủng Viện để chứa cái lớp đông đúc nghịch  ngợm này. Cũng lại là một chương trình cấp tốc, nên đến ngày tựu trừơng rồi mà vẫn chưa xây xong. Nằm ở vùng ngoại ô heo hút, cái tên Tác ráng nghe như đượm mùi  rừng tràm U-Minh. Cũng cái cảnh khiêng hồ tải gạch. Cũng chỉ có một lớp này, những người đầu tiên và độc quyền. Cũng những đêm mưa thê lương tiếng ếch  nhái à uôm. Cũng những chiều gío biển thổi lồng lộng. Cái tên Khai Phá chết danh từ đáy. Có lẽ định mệnh Khai Phá đã vận vào người và tạo nên "Cái Phong Cách  Rất Riêng Của Khai Phá".

Ăn thì những bẹ kem khổng lồ. Làm thì độc đáo khác người. Hang đá 1969 ngốn hết  cả 1000 bao giấy xi măng với những ngọn núi cao chót vót và những đường hầm chi  chít như mê cung đã trở thành một kiệt tác vô tiền khóang hậu. Những ngôi sao Sinh  Nhật vĩ đại. Những vở kịch lịch sử với những màn đấu kiếm mê ly hơn cải lương.  Những trận đấu bóng chuyền lừng lẫy. Những nhạc cảnh Giáng Sinh để đời.      

...Tôi tin rằng tương lai thuộc về những con người sống  mãnh liệt trong yêu thương, mãnh liệt trong phục vụ, mãnh liệt trong tình nghĩa, như Khai Phá chúng ta.

Chưa có lớp nào vận động tranh cử vào các ban ngành sôi nổi và đầy sáng tạo như  lớp ta.  Những liên danh 3R ( Ry, Rũng và Riễn), H2O để lại những kỷ niệm không  bao giờ quên được. Ăn, chơi, nhưng không quên học. Kết qủa kỳ thi tú tài I đã làm  hài lòng những Cha Giáo khó tính nhất. Mưòi một bình, và 22 bình thứ, có lẽ chưa  lớp nào đạt được. Chính lớp Khai Phá mở màn phong trào đi Ðại Học. Lạ lùng một điều, những con người ăn to nói lớn, hành động táo bạo ấy lại sống rất tình nghĩa.  Dường như cái chất Khai Phá thấm đẫm từng kẻ tóc chân tơ, lan tràn vào từng thớ  thịt mạch máu, đã chảy vào trái tim, khiến trái tim cũng đập theo nhịp Khai Phá:  Yêu thương hết mình, hết tình vì bạn bè.

Sống tự do, sống hết mình, sống tình nghĩa, sống độc đáo. Từng thứ ấy đan quyện nhau đúc nặn thành phong cách Khai Phá.        

Ngày nay khi nhắc lại kỷ niệm cũ, khi quy tụ những anh em đã cùng trải qua biết bao  nhiêu kỷ niệm vui buồn cùng một mái trường thân yêu , ở vào tuổi đẹp nhất của đời  người, ta không chỉ ôn lại một kỷ niệm, khẳng định một phong cách, nhưng còn tiếp  tục đề ra một  đường hướng. ường hướng đó là "một lối sống Khai Phá ". Sống  trọn vẹn. Sống mạnh dạn. Sống dấn  thân. Không ngại khó không sợ khổ. Sẵn sàng nhận những công tác khó khăn. Xung phong vào những nơi nghèo khổ. Trực diện với  những vấn đề nhức nhối. 

Ðường hướng đó là một “lối suy nghĩ Khai Phá”. Suy nghĩ sáng tạo. Suy nghĩ táo bạo. Suy nghĩ cách mạng theo chân Thầy Chí Thánh GiêSu. Chính lỗi suy nghĩ ấy  đã hướng dẫn Anh Em Linh Mục Khai Phá đáp lại những đòi hỏi cấp thiết của Phúc  Âm, trở thành những người tiên phong trong giáo phận dấn thân vào công tác xã hội:  xây cầu, làm đường, mở lớp xóa đốt, dựng nhà cho người nghèo, v..v..Tinh thần đó  đang được Anh Em Khai Phá hải ngoại ủng hộ trong việc xây dựng những phòng sách cho các xứ đạo nghèo.

Ðường hướng đó là chan hòa tình nghĩa Khai Phá: mở lòng ra để yêu thương và đón  nhận tình liên đới, nối kết trong cảm thông chia sẻ với một thái độ chân thành. hính  đường hướng ấy làm cho Khai Phá không chỉ là một kỷ niệm đẹp của thời quá khứ  xa xưa, nhưng trở thành một sức sống mãnh liệt hướng về tương lai. Tôi tin rằng tương lai thuộc về những con người sống mãnh liệt trong phục vụ, mãnh liệt trong tình nghĩa.  
            
Tác giả bài viết: GM Ngô Quang Kiệt
 
TRÔI THEO GIÒNG KỶ NIỆM

Có người gặp mình hỏi: "Thiêm ơi, sao lớp Thiêm lại gọi là lớp Khai Phá?". Lớp người ta là lớp Vô Nhiễm, lớp Don Bosco...là lớp các Thánh. Còn lớp Thiêm là lớp bố đời. Có phải là lớp Thiêm wậy qúa không ? Khai đấy, để rồi Phá đâý ? Tôi giật mình, biết phải trả lời thế nào đây ? Vừa rõ, vừa đúng. Tôi lững thững :

TRÔI THEO GIÒNG KỶ NIỆM
"Bậy không nào; không phải thế đâu. Giải thích dài dòng lắm. Thôi cứ nhìn vào tớ, vào  từng khuôn mặt của anh em lớp tớ; khắc sẽ tìm thấy câu trả lời." Mình trả lời trốn chạy vậy thôi, chứ quả thực cũng khó tìm được lời giải thích nào, vừa ngắn gọn vừa trọn vẹn  ý nghĩa.

Khách về. Lững thững trở về phòng. Băn khoăn tìm câu trả lời. Leo lên võng đong đưa,  thả hồn lang thang lùi dần về quá khứ. Lùi trở lại 34 năm về trước. 21-8-64 - Cái ngày  ăm ắp kỷ niệm, xao xuyên và rộn ràng, 160 thằng oắt, 160 cu cậu ở khắp bốn phương  trời: Long Khánh, Gia Kiệm, Tân Việt, Tân Mai, Hố nai, Ông Chửởng, Cái Sắn...Cộng  với 12 "em" lớp trên ở Châu Ðốc: nghịch ngợm, ốm đau, lơ mơ . Tất cả cùng gặp gỡ  nhau lần đầu, lạ lẫm, ngớ ngẩn, ngơ ngác...dưới sân 1 ngôi nhà 4 tầng, dài 100 mét vừa  xây xong, chưa hoàn chỉnh.
      
Thế đấy ! 172 khuôn mặt. 344 bàn chân đơn sơ, vụng dại, vừa bước vào ngôi Chủng  Viện có tên Têrêxa (Vị Thánh Nữ đứng sừng sững ở cuối sân, nhìn thẳng vào Chủng  Viện. Một tay cầm cuốn sách, một tay giơ thẳng chỉ về trời cao). Kể từ đấy, cái tuổi đời  tu của các cậu, cũng chính là tuổi của ngôi Chủng Viện kia.  Một ngôi Chủng Viện được  xây ngay sát nhà thờ Chính Tòa, trên một bãi tha ma.  Như thế lớp ta đúng là Khai Phá,  đã ghi được 1 điểm.

Ðể có thể khai mở, người ta phải phá, phải phát quang đi rất nhiều.  Tụi mình đã phải  phá vỡ đi biết bao nhiêu thau nhôm, để khai mặt bằng mới cho sân chơi Chủng Viện.  Lấp đi bao nhieu là hố sâu, nơi từng là chốn an nghỉ cuả những chiếc quan tài . Cũng chính vì vậy, mà có lần, cả lớp đã được ăn một bữa cá trê vàng óng no nê.  Số là, trong  một giờ đá banh, có cầu thủ nhí nào đá trái banh căng quá, khiến trái banh chui lọt vào một cái lỗ nằm dưới cổng vào: cả bọn hì hục cố gắng khều trái banh ra ....Ô haý sao có  cái gì lục ục bên trong. Các chuyên gia Cái Sắn được vời đến. Chúa ơi! chúng mày ơi!  Cá trê . Một đống cá trê đang lúc nhúc bên trong. Rổ! Lấy rổ! Vào bếp mượn rổ mau  lên! Cả bọn khoái trá . Có đứa nhẩy cẳng lên khi những con cá đầu tiên được đưa ra.   Bẩy tám con ca ùtrê mập ú, bóng mượt, giẫy đành đạch trên nền cỏ chỉ . Mình đứng đấy, mà nuốt niềm sướng vui . Bỗng có đứa nào đứng cạnh ghé tai bảo:

"Cá trê ở đây là phải rồi . Cá trê thích rúc thịt người lắm. Ðây là nghĩa địa mà. Tìm  kỹ xem, khéo có cả lươn nữa đấy".

Mình ngờ ngợ . Không biết nó nói đúng không? Nhưng thôi, mặc kệ! Cứ bắt. Nhà  bếp cứ làm thịt .  Cả lớp cứ nuốt lấy nuốt để.  Cứ cười tít mắt, vui vẻ và hạnh phúc.

Vừa viết đến chữ hạnh phúc, tự nhiên mình nghe lòng vui vẻ lạ thường. Nếu nói hơi  cường điệu, thì những ngày tháng Ðệ bát là những ngày hạnh phúc nhất. Bởi có năm  nào được ăn uống sung sướng bằng năm ấy đâu . Này nhé, xúc xích Mỹ ăn thừa bữa,  chán cả mồm miệng: tôm càng xanh, thì chả có mấy tuần làkhông được ăn.  ( Nói thật,  bây giờ nghĩ lại mà thèm: bởi lúc này đây, có khi cả năm cũng chưa được bữa tôm nào).

Tiện đây cũng xin kể nhỏ cho các bạn nghe 1 kỷ niệm dễ thương mà mãi mình không  sao quên được. Nhưng trước khi bắt đầu cho mình xin lỗi Hùng Con đã nhé. Ðừng giận, bởi chỉ la 1 kỷ niệm dễ thương thôi Hùng ạ.

Bữa cơm trưa hôm âý, mỗi mâm được 2 con cá kho, canh và dưa leo xào . Hùng Con  ngồi cạnh mình, bà gìa Luyến ngồi phía bên kia.  Xới cơm xong, Hùng Con lấy đồ ăn.  Không biết vô tình hay làm tính chia sai, mà Hùng cầm đĩa cá lên gạt hẳn một con vào  đĩa cơm của mình. Cả ba đứa còn lại nhìn nhau.  Không biết đứa nào, Thể lùn hay là  bà gìa Luyến đánh một câu: "Thằng Hùng ăn tham.  Mình mày một con, còn ba đứa chúng tao cũng chỉ một con, chia làm sao được..."  Thế Hùng Con oà khóc. Không  biết vì ngại hay vì lỡ rồi hối hận.

Cơm xong, tới cửa, Hùng Con bất chợt gặp thầy Việt Hưng. Bắt gặp giọt nước mắt  ưng tròng, Thầy hỏi : " Hùng, sao khóc ? ". Vừa đưa tay quệt ngang, vừa mếu máo .  Hùng đáp : " thưa Thầy, bạn Luyến bảo con ăn tham." Thầy hỏi chuyện rồi nhếch  mép dấu nụ cười . Thầy bảo : " Luyến, quỳ, 5 phút cho đứng dậy ".  Mình leo vội lên đầu cầu thang nhìn xuống . Thật tội nghiệp cho cu luyến. Mình tự nhủ : " Luyến nói đúng có sai đâu nhỉ ?. Thế mà phải quỳ.

 Ôi những ngày dấu ái ! Hạnh phúc và dễ thương qúa chừng !

Nhưng những ngày hạnh phúc năm Ðệ Bát đâu chỉ có thế.  Còn một điều nữa cực  quan trọng không thể không nó đến .  Ðó là tinh thần văn nghệ của lớp mình.  Tối  nào cũng văn nghệ, tuần nào cũng văn nghệ.  Một năm mấy lần đại văn nghệ.  Hết  vũ khúc "Cây vả màu xanh xanh" với những dụng cụ là những cành cây vớ vẩn cắm sau lưng; lại đến vũ khúc tây Phương bì rù bùm, bùm búm bum bum.  Cũng chẳng thế nào quên vũ khúc "Lính Thú" í i ì í .....mà các vũ công như Tốn, Tố, Công Nghị, phải nhuộm mấy răng cửa cho đen bằng ngựa đường.  Rồi những vở  kịch tự biên với những diễn viên kiệt xuất, như Nhược, như Long....ôi chao! Dòng máu như điên lên vì hạnh phúc.

Rồi niên học cũng qua đi.  Mảnh hạnh phúc ấy cũng trôi vào quá khứ.  Cả lớp đã  bước lên Ðệ Thất.  Hết hè, cả lớp lục tục kéo về Á Thánh Phụng Châu Ðốc. 
 
Về Châu Ðốc hạnh phúc nhất với sân đá banh rộng mênh mông.  Nhưng không  biết anh em làm sao, chứ mình thì suốt mấy tuần đầu không sao ngủ được.  Một  nỗi buồn u uất bâng quơ.  Không buồn sao được vì đêm đêm, khi vừa ngả lưng,  thì phía bên kia sân banh, bỗng vang lên một âm thanh ai oán não nuột "Nam Mô  a Di đà Phật".  Cái cung điệu mang hơi thở của Thất Sơn huyền bí, của U Minh trâm mặc xoáy sâu vào nỗi buồn.  Những lời thơ Sấm giảng theo thể lục bát, làm mình trùm chăn oà khóc. Rồi những ngày học bắt đầu.  Lớp học Pháp văn im phăng phắc, kiểm bài tối ngày.

- Cinq minutes encore!     
- Changez vos cahiers!

Cha Giám Ðốc Hiến đi lên đi xuống.  Sợ quá.  Chẳng ai dám thở.  Cha Hiến vừa bỏ  đi, Cha Thản bước vào, suốt một năm làm học trò toán của Cha Giáo Thản, biết bao nhiêu là dấu tay còn in đậm sau lưng, biết bao nhiêu là dấu tím, còn hằn rõ ở lớp da  non dưới nách. sao mà dau thế nhỉ, mỗi khi giải đáp tóan sai. Hết năm ấy, anh em Khai Phá lại trở về Long Xuyên. Ðệ lục, đệ ngũ, đệ tứ cho qua luôn.  Chi tiết quá viết bao giờ mới xong.  Chúng ta  dừng lại ở lớp đệ tam này một lát nhé.  Dấu ấn để đời, không nhắc không được.  Năm ấy Ngô Quang Kiệt làm trưởng lớp.  Cả lớp còn cả thảy 80 mạng.  Sao mà cái dòng máu tuổi trẻ, nó lại sục sôi đồng nhất như vậy.  Ðứa nào cũng hăng cũng  sung.  Các mạch máu trong huyết quản vỡ tung ra, kể từ khi cha Hoan không còn  diễn văn nghệ. Ðứa nào cũng sục, đứa nào cũng sôi. Sáng tối họp hành khẩn cấp.  Tay anh chị Phi Hùng, Văn Nhâm đứng canh cửa, áo quần chỉnh tề, áo bỏ trong  quần ta.  Khỏi cần dây nịt, cái eo thót lại.  Cái mông xẹp lép.  Bậm môi.  Dáng  điệu đe dọa.  Ai thấy chẳng sợ.  Bọn thạch sùng trốn sạch ra đàng sau bảng đen.

Một mùa Sinh Nhật căng thẳng đến nghẹt thở. Ðược lệnh rỡ hang đá ra , cất đồ đạc.  Mỗi Khai Phá cầm một gậy trại dài 2 mét đem cất rồi xếp thành hàng hai tiến lên.  Vừa tiến lên vừa giộng mạnh xuống nền.  Âm thanh chát chúa, rần rần, giống hệt  âm thanh 1789 phá ngục Bastilles.  Càng lúc âm thanh càng lớn; càng sôi động và  nặng nề đe dọa.  Trước khi tới đích đòan quân, đòan quân còn diễn hành qua các  hành lang từng lầu.  Nhiều Cha Giáo giật mình, hé cửa quan sát.  Âm thanh sục sôi  ùa vào rồi vội vàng đóng chặt cửa, gài chốt an tòan.  Gì thế?  Bọn nó làm loạn  chắc?  Xin các Cha Giáo yên trí, không có gì đâu ạ....Khai Phá tụi con quậy thật,  nhiều cá tính, nhưng không bao giờ lếu láo thế đâu.  Tụi con chỉ mang gậy đi cất ở tầng 4 đấy.  Thế thôi...

Ðức Cha Micae đọc báo cáo, nóng gáy... Ðuổi hết lớp này mới được! Nhưng rồi sau nghĩ lại.  Ðức Cha thông cảm, lại thương lại thôi, nhưng đứa nào chủ mưu?  Cha Thư có bổn phận phải sưu tra.

Lần lượt từng đứa được gọi lên phòng cha Giám Thị.  Cha ngồi sẵn đấy.  Cây Thánh  Gía để đứng giữa.  Lạnh lùng Cha thả rời từng tiếng: "Trứơc tượng Chúa, anh phải nói rõ sự thật.  Bây giờ nghe tôi hỏi?.... Ðứa thứ 80 đã được hỏi cung xong.  Nhưng không tìm ra lãnh tụ.  Không thấy là phải.   Bởi có ai là lãnh tụ đâu mà thấy, thưa Cha.  Tất cả lớp Khai Phá chúng con đều là  lãnh tụ: là sự sục sôi của tuổi trẻ, là sự ngu ngơ cuồnh nhiệt của tuổi mới lớn.

Nhưng dù sao cuối năm, 25 mạng cũng phải giũ áo ra đi.  Buồn ơi, chào mi! Thời gian  nhẹ nhàng trôi đi, cho mình làm bước nhảy vọt.

Năm 1972, 40 Khai Phá còn lại, bước lên Ðại Chủng Viện.  Lại ngôi Chủng Viện mới  xây ở Tác Ráng, Rạch Giá.  Lớp mình vừa là lớp đầu tiên của Ðại Chủng Viện Ðịa  Phận, vừa là người khai trương Ðại Chủng Viện mới.  Ðúng là lớp Khai Phá rồi đấy nhé.

Nhớ lại trong khivào chào quí Cha Tiểu Chủng Viện, trước khai ra đi, cha Giám Ðốc Quan đã tâm sự:

"Ðức Cha và các cha trước khi chọn lớp các anh làm lớp mở đầu cho một Ðại Chủng Viện mới, đã bàn bạc rất kỹ.  Hãy biết rằng, truyền thống ở một Ðại Chủng Viện, là rất quan trọng.  Chọn một lớp không ra gì để bắt đầu một truyền thống, chắc chắn sẽ khó có một truyền thống đáng lưu gĩư.  Lớp các Anh tuy hơi nghịch, nhiều cá tính,  nhưng lực học tương đối khá đồng đều."

Nghe xong mà phở lở ruột gan.  Ừ đúng, cá tính nhiều thật.  Cuộc họp nào mà chẳng cãi  nhau, tranh luận chí choé.  Nhưng sau đó đâu lại vào đấy.

Thôi nhật ký của mình dài qúa rồi.  Hẹn các bạn một dịp khác, nhưng dù sao trứơc khi hết  lần này, mình cũng xin nhắc lại một kỷ niệm nữa.  Sau khi giúp xứ về, Khai Phá chỉ còn  lại 20.  Cả lớp họp lại vì có qùa của Tước từ Mỹ gởi về .  Ngoài gói kẹo Chocolate là 2 gói Marlboro.  Vừa chẵn mỗi đúa hai điếu thuốc thơm.  Vũ Tốn ngồi cạnh mình, mồi thuốc xong, ra điệu sành sỏi, tay anh chị.  Tốn bảo:
          
"Hút loại này phải biết ém khói mới phê.  Hút như Thiêm phí thuốc".  Trợn mắt mình ngu ngơ: " Ém khói là làm sao?".

Tốn lên điệu đàn anh: " Là rít cho thật sâu vào. Giữ yên, không cho khói ra.  Ðấy nhé,  xem này.  " Búng tàn.  Ðưa điếu thuốc lên môi.  Rít.  Rít dài có đến cây số.  Vừa rít vừa  nhìn mình, gật gật đầu. Ra điều như thế đấy.  Bỗng dưng, mắt Tốn dại hẳn đi. Lảo đảo, rồi cả người cả ghế đổ kềnh ra.  Cả lớp xúm lại.  Nó say thuốc.  Lấy khăn mặt ướp ngay.   Một lúc sau, Tốn tỉnh ngồi dậy.  Tốn định ém khói. Không được. Khói ém lại Tốn.  Tốn  há miệng.  Một làn khói bay ra, tỏa lan khắp phòng. Mình chợt nghĩ : " Con người yếu thật,  còn thua cả khói thuốc ".
             
            
Tác giả bài viết:
KP. Ðỗ Xuân Thiêm

-->

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét