New Page 1
ĐIỂM HẸN CỦA ANH EM
Rất lâu rồi anh em Giu se 67 không họp lớp. Dễ chừng đã 14 – 15 năm rồi thì
phải. Lâu lâu gặp nhau anh em lại hỏi : “Không họp lớp à ?!!!” , “Năm nay nhé”.
Ai cũng mong một điều gì đó. Trước đây một hai năm, có sự việc gì đó anh em gặp
nhau. Rồi thời gian lặng lẽ trôi, vì thế nhớ nhau là phải. Lá rơi về cội, phải
không anh em ?
Nhưng mà gặp nhau ở đâu đây ? ở xứ cha Triển, cha Tuân ? Hay ở nhà cha Luyện?
Muốn có việc thì phải có người “xắng”, người khởi động động cơ.
Vâng! Kẻ hay “xắng” nhất là anh Thiều. Và năm nay đây, hè 2014 này hắn đã tìm ra
“điểm hẹn” để qui tụ anh em về một mối. Tin vui được loan truyền. Kẻ này phone
cho kẻ kia : “Có đi không ? – Chờ nhé”. Anh em một nhà là thế. Vui trước ngày
vui
Ngày hẹn đã tới : 30/4/14
Sáng tinh mơ, anh Trung từ núi Cô Tô – An Giang dắt xe lên đường. Anh
Lý từ Năng Gù, anh Danh từ Long Xuyên cũng lên đường. Từ giáo xứ Cờ
Đỏ, Cần Thơ, Minh 5 Chà chở cha Giuse Phạm Đức Tuân cùng đi. Có cả
cha Tư từ kênh 7 Rạch Giá cũng lên. Điểm hẹn đang vẫy gọi. Duy nhất chỉ có
một cặp : anh chị Ninh cùng đèo nhau vượt qua mấy chục cây số đến để
được gặp anh em. Thế mới rõ, lâu không gặp nhau thì nhớ, thì bồn chồn
Còn ở Sài gòn, một chuyến xe 16 chỗ do tay Thiều cùng với Basto Nhàn
điều động. Trời còn sớm lắm, đâu khoảng 4g30 sáng hắn đã réo gọi. Cầm máy, mình
nghe : A lô Thiều – Dậy chưa – Dậy rồi , chờ nhé. Thì ra hắn và Nhàn đang ở trên
xe trên lộ trình đến tòa TGM để đón cha GB Bùi Thái Sơn , rồi quẹo trở
lại đón Thùy tại giáo xứ Tân Hòa, Phú Nhuận. Điểm cuối là ngã tư Trung
Chánh, Hóc Môn, để đón 4 anh em còn lại là Đài, Đệ, Đoạt, Huấn
Đúng hẹn, 6 giờ xe đến và 4 anh em cùng lên và điểm danh : Một, hai…Tám, tài xế
là 9. Xe lại lăn bánh trên quốc lộ 22 hướng về Củ Chi. Khoảng hơn 3km thì quẹo
vào ngã ba Giồng, thẳng về Long An qua Cầu Lớn là điểm giáp ranh Sài gòn - Long
An. Tới Đức Hòa, xe đi về Cao Lãnh theo hướng Mộc Hóa. Ruộng đồng, đầm lầy mênh
mông
Từ TX Cao Lãnh để về điểm hẹn bên kia sông Tiền, xe Phải đi qua phà Cao Lãnh.
Lên bờ quẹo trái là về Sa Đéc, quẹo phải thẳng tiến khoảng 27km nữa là tới “Điểm
hẹn của anh em” : Nhà thờ Mỹ Luông, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang.
Vị trụ trì là cụ An tôn Nguyễn văn Triển . Chợt nghe văng vẳng : Nhớ nhé,
nhớ nhé, gặp nhau tại Mỹ Luông
Có một việc nho nhỏ mình xin kể lại để các bạn chia xẻ tinh nghĩa anh em. Số là
lúc xe gần đến phà Cao Lãnh (cách TX khoảng 4-5km), lúc đó đâu khoảng 10 giờ,
mình bấm máy cho cố đạo Mỹ Luông rằng : Hôm nay anh em bệnh hết rồi. Đầu máy bên
kia vang lên giọng nói nhẹ nhẹ : “Thôi cũng được” rồi cúp máy
Nhưng không phải thế đâu. Khi phà gần cập bến, máy lại đổ : “A lô! Nghe đây cha
Triển ơi” Giọng nói cũng rất nhẹ : “Nếu anh em có đói thì ghé dọc đường mà
ăn!”. Lẽ ra anh em đang định ghé đâu đó để thưởng thức ly cà phê. Nghe vậy Thiều
vội dục bác tài tới luôn. Ra thế đó. Chờ đợi nên sốt ruột. Gọi lại để kiểm tra
hay là sợ cơm ế đây. Đời là vậy. Luôn có khoảng trống đáng sợ. Sợ nhưng vẫy hy
vọng. Hy vọng nên mới chờ đợi. Vào cái lúc chờ thì lòng đâm bối rối, âu lo.
Trở lại với lộ trình đang đi. Biết không anh em ! Trong suốt đường đi, anh em
nói chuyện nhiều thứ lắm. Điểm lại nhân sự của lớp. Ai làm cụ, ai ở đâu, ai đã
ra đi, ai gặp khó khăn ra sao. Rồi ngày vui hôm nay. Vì lý do nào mà anh này anh
nọ không đi được. Ví như Bớt , lúc được tin họp lớp thì rất phấn khởi,
rất muốn đi, nhưng lại sợ tuổi cao sức yếu, ngại đường dài. Lão Bá thì có
khách quí hẹn ghé thăm, nhất là cái lưng đã còng, mắt lại mờ nên đành lỡ hẹn.
Bạn Duy kẹt với con đường trước nhà đang được mở rộng, nâng cấp. Nhà bị cắt
xén, chẳng còn cửa để đóng mở. Thomas Thụ ở tận Phan Thiết, Xinh ở ngoài Xuyên
Mộc, Đất Đỏ. Mic Quang ở tây nguyên Đà Lạt xa xôi. Chàng An Tiêm Ngô Văn Thắng
một mình trên hoang đảo thuộc rìa quê Sài gòn. Đời hắn vắng vẻ cô đơn lắm. Muốn
tìm gặp thì xin hỏi hoang đảo ở chỗ nào. Vậy mà có kẻ mới ngày hôm nay, ngay cả
buổi sáng nay dám dối bạn bè rằng không thể đi được. thế mà khi tới nơi, anh em
đã thấy hắn đứng chờ. Lý toét đấy
Khoảng 11g30, anh em Sài gòn tới điểm “hạnh ngộ”. Xe vừa đỗ bến, cố sở đã đứng
đó đón chờ. Với tác phong rất quen thuộc, ngài tiến đến, trịnh trọng bắt tay
từng anh em. Sao mà quí thế giây phút này. Bạn lại gặp bạn. Vui ơi là vui, gặp
lại cố nhân bao năm xa cách. Kẻ vỗ vai, người bắt tay hỏi han. Ai cũng nở nụ
cười vui vẻ, quên cả mệt nhọc vì đường dài. Anh em một nhà thương nhớ nhau là
thế
A
cha Tuân đâu ? Minh 5 Chà nữa ?
Sắp đến nơi rồi. Rồi hai người khách quí sau cùng cũng đến nơi
Tiệc mừng ngày xum vầy đã có sẵn. Cố sở Mỹ Luông mời anh em vào dùng bữa mừng
vui ngày gặp lại
Chu choa ! Một bữa tiệc thịnh soạn. Sao mà giông giống cái phong cách của cụ sở
Lấp Vò quá chừng. Vâng bữa tiệc đã diễn ra chứa đầy tình anh em. Dĩ nhiên chủ
nhà mở lời chào mừng anh em gần xa. Bastos đại diện anh em chào cố sở, chào mừng
anh em. Đang lúc dùng bữa, cha Bùi Thái Sơn có “bản” báo cáo về anh em hải
ngoại. Với giọng trầm, cách nói chậm, ngắn gọn và rõ ràng, ngài cho anh em biết
nhiều điều về bạn bè xa cách.
Cơm nước xong, anh em qua phà sang bên kia sông đối diện giáo xứ Mỹ Luông để làm
một cuộc dã ngoại chớp nhoáng thăm dòng Chúa Quan Phòng, dòng Phanxico và nhà
thờ Đầu Nước.
Nói về nhà thờ Đầu Nước mà không nói về đấng bổn mạng chủng viện – mái trường
thân yêu – là một điều thiếu sót.
Vâng, Thánh linh mục Phê rô Đoàn Công Quí sinh năm 1826 tại họ Búng, hạt Thủ
Dầu Một. Thụ phong linh mục tháng 9/1858 tại nhà thờ Thủ Dầu Một
Ngài từng là cha phó sở Cái Mơn (Vĩnh Long)
Cuối tháng 12/1858 là cha sở họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng
Bị bắt ngày 07/1/1859
Được phúc tử đạo ngày 31/7/1859 tại Châu Đốc cùng với thánh Emmanuel Lê văn
Phụng
Lậy thánh Phê rô Đoàn Công Quí, xin cầu cho anh em chúng con
Trở về giáo xứ lúc 15g, anh em quây quần bên nhau nơi phòng khách của giáo xứ để
hàn thuyên tâm tình sau bao năn xa cách. Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh vài
điểm chính
Trước hết là xác định lại ai, nhóm trưởng, trưởng lớp.
Vẫn như cũ thôi. Cha An tôn vẫn là trưởng lớp dù ngài có khéo léo đẩy đưa. Đồng
thời ngài cũng là nhóm trưởng của anh em khu vực Long Xuyên. Cha Giuse Phạm Đức
Tuân, nhóm trưởng anh em Cần Thơ, kiêm tổng biên tập của tập san lớp. Cha GB Bùi
Thái Sơn làm trưởng nhóm anh em khu vực Sai gòn
Cha An tôn gợi ý bao giờ lại họp lớp. Năm nay anh em đã là 60 tuổi trở lên, thời
gian chẳng còn nhiều. Vậy thì năm tới hay hai, ba năm họp lớp một lần. Muốn thì
muốn đấy, nhưng chẳng ai quả quyết cho rốt ráo
Không biết ai đã quân sư cho cho cố sở Mỹ Luông ý tưởng là : Ba năm nữa tức là
năm 2017 là năm tròn 50 năm đời tu của anh em lớp Giuse 67 . Vậy ta lại gặp nhau
mừng kỷ niệm 50 năm đời tu nhé. Một sự nhất trí tích cực xảy ra rồi vỗ tay rần
rần.
Tại sao lại đề cử cha Giuse làm tổng biên tập. Ý tưởng là phải có tập san của
lớp, của ngày truyền thống là rất hay, có ý nghĩa. Chàng Bastos hậm hực vì chẳng
có ai viết bài gì cả. Vậy anh tổng biên biên tập có nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở
anh em viết bài bằng cách này hay cách khác. Sở dĩ cha Giuse được anh em chọn
mặt gửi vàng bởi vì ngài là trưởng Ban Truyền Thông của giáo phận Cần Thơ, rất
có uy tín
Việc chung là tạm ổn. Giờ là phần đóng góp ý kiến, tâm tình của từng anh em tham
dự cuộc tọa đàm. Xin ghi lại 3 tâm tình nổi bật.
Xung phong mở đầu là Benado Trung nói rằng rất mong và rất vui được gặp lại anh
em. Lâu lắm rồi mới gặp lại thấy vui lắm. Và nói rằng anh em ở Saigon sinh động
vì hay gặp nhau. Còn anh em Long Xuyên chả có dịp nào để gặp gỡ.
Tiếp theo là Lý Năng Gù đem đến với anh em 1 chia sẻ thật tuyệt vời. Nói rằng bà
xã rất nhiệt tình ủng hộ anh đi họp lớp vì lâu lâu mới có dịp. Để động viên, bà
xã còn tự tay chuẩn bị, sắp xếp hành trang cho chàng lên đường. Quá hay, anh em
vỗ tay chúc mừng
Sao anh Danh có góp ý gì không ? Cha Giuse Tuân gợi ý. Vốn là con người nghiêm
túc, cẩn trọng và ít nói, sau một hồi suy nghĩ, anh Danh cũng nói lên hoàn cảnh
của mình là vợ chồng, con cái còn ở thuê, nên hoàn cảnh cũng khó khăn.
Để kết thúc phần tọa đàm, cha An tôn nhắc đến những anh em đã khuất bóng. Thì
đây, rất nhanh, Thomas Nhàn trình cho ngài bản danh sách đã được ép plastic cẩn
thận. Đó là các anh: GB Trân, Mat Vũ Tiến Hưng, Dom Tiến Nam, Giuse Đông,
Giuse Lâm, Vicente Khoản, Tôma Sô và cha Phê rô Nguyễn văn Chánh . Cả thảy
là 8 vị thánh. Buổi tọa đàm kết thúc lúc 18g, cũng là lúc cha sở mời anh em
dùng bữa cơm tối. Dù một, hai hay ba bữa, thì bữa nào cũng ra trò. Cơm chiều
nay, anh em cũng chia sẻ chai rượu Chivas 18 của cha Sơn mang theo
Thời gian vắn vỏi mà việc định làm thì nhiều. Cơm tối vừa xong, cha Sơn có buổi
nói chuyện với anh em gia trưởng trong giáo xứ. Rồi ngay sau đó, cha An tôn có
chiếc bánh bông lang – không biết do ai tặng – mời anh em vào phòng khách cùng
chia sẻ mừng thọ 60 năm của anh em lớp Giuse 67. Chỉ một chiếc bánh, anh em dùng
no nê mà vẫn còn dư. Cám ơn cha An tôn, chúc mừng anh em. Đêm xuống rồi, nào ta
cùng đi ngủ. Giường chiếu đã sẵn sàng, chúc anh em ngủ ngon
Sáng 1/5/14, bốn cha gồm cha sở, cha phó và hai cha khách cùng đồng tế mừng lễ
thánh Giuse thợ, bổn mạng của giới gia trưởng gx Mỹ Luông. Trong thánh lễ, cha
chủ tế cũng dành lời cầu nguyện cho anh em, những người đang sống hay đã qua đời
của lớp Giuse 67. Lâu lâu mới có một sản phẩm hai, ba trong một
Để thay lời kết, mình xin ghi lại một câu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Số là
trong lúc dùng bữa hay lúc trà dư tửu hậu, luôn có một người rất trẻ đẹp phục
vụ anh em cách tận tình, chu đáo. Phải nói là anh em đã được phục vụ đến tận
răng (theo cách nói ngày nay). Đó là cha phó Phê rô Đỗ Tiến Trình. Hình như ngài
chẳng nghĩ mình cũng phải ngồi vào bàn để cùng vui với mọi người trong ngày vui
hiếm có này mà chỉ lo phục vụ cho kẻ khác
Trước khi chia tay, anh em quây thành vòng tròn bên nhau cùng cất lên bài ca tạ
ơn Thiên Chúa. Rồi cùng nắm chặt tay nhau mà hứa vang : “Gặp nhau đây, rồi chia
tay. Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say, còn chưa phai.
Đường trường sông núi hẹn mai ta xum vầy”
Tạm biệt cha An tôn
Tạm biệt cha phó Giuse
Hẹn gặp lại
Tạm biệt anh em
Hẹn gặp lại
Gửi lời hỏi thăm các cha và anh em vắng mặt
Xin chào giáo xứ Mỹ Luông thân thương
Một lần hành hương “hạnh ngộ”, kẻ lữ hành xin gửi đến quí cha và anh em lớp
Giuse 67 đôi dòng chia sẻ vụng về. Có gì thiếu sót, mong được bổ túc
Chân thành cám ơn anh Thiều và Thomas Nhàn đã lo cho anh em đi đến nơi về đến
chốn./.
Viết xong ngày 08/4/14
Trần Quốc Đệ (Đã ký)
Phạm văn Đài (Thư ký đánh máy)
TB. Đề nghị Nhan Huyền sáng tác ngay bài ca với tựa đề : “Mỹ Luông một lần
ghé thăm”